Ngẩn ngơ nghề chữa đồng hồ

Trước Tết, mang chiếc Mido của ông ngoại đi sửa thì mới nghe anh Hùng nói cụ Thư mất năm ngoái, lục tìm lại bài này để đăng lên đây. Như một lời viếng cụ.

*
* *

Hà Nội ngày xưa dễ tìm hàng sửa đồng hồ hơn bây giờ tìm hàng vàng. Mỗi cửa hàng không chỉ có một tủ, một thợ mà có khi có đến năm sáu người lúi húi làm cả ngày không hết việc. Thấm thoát đã mấy chục năm. Đi qua phố cũ, đường ray tàu điện bỏ lâu rồi và những cửa hàng chữa đồng hồ cũng chẳng thấy mấy. Phải để ý lắm may ra mới gặp một hai cái tủ kính quen thuộc, cũ kỹ nép vào một góc trong nhà để nhường mặt tiền kinh doanh thứ khác.

Chữ Tâm của các lão anh tài
“Ngày xưa sửa một chiếc đồng hồ có thể sống cả tuần. Bây giờ thì khác, chiếc nào sửa đắt người ta bỏ luôn,” ông Đào Văn Dư, người đã có 52 năm tuổi nghề và bảy bằng diplome của những hãng đồng hồ danh tiếng nhất Thụy Sỹ, ngậm ngùi. Bạn nghề, bạn tâm giao của ông Dư là ông Đặng Huy Thư, nguyên hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Đồng hồ Hà Nội. Bố mẹ mất sớm, nhà nghèo, ông Thư học nghề chữa đồng hồ ở quê nhà Nam Định bằng cách “đi ở” cho người ta. Rồi ông bán nhà, bán đất lên Hà Nội học chữ và làm thuê cho cửa hàng chữa đồng hồ nổi tiếng Lê Ký phố Hàng Đào. Chữ ở trường và chữ ở đời không chỉ cho ông Thư một cái nghề mà cả tâm huyết muốn truyền nó cho thế hệ sau. Năm nay 71 tuổi, bị tai biến mạch máu khiến đi lại khó khăn, nhưng hàng ngày ông Thư vẫn ngồi dạy anh Đặng Mạnh Hùng, người con út quyết tâm theo nghề cha.

Dân gốc Khâm Thiên chẳng mấy ai không biết ông Khôi “đồng hồ.” Những năm 1950-1960, cả phố chỉ có mỗi ông làm nghề này và trung bình mỗi tháng ông sửa chừng 100 chiếc. Tính sơ sơ, hơn 3000 chiếc đồng hồ, cùng với chúng là những kỷ niệm không thể đong đếm, đã nhờ bàn tay tài khéo của ông mà sống lại. Thế nhưng đến giờ, dấu ấn của ông với nghề chỉ còn là chiếc đồng hồ cổ của Pháp vẫn lặng lẽ điểm thời gian trên bàn.

Năm 1971, bà Nguyễn Thị Thanh, khi ấy là một thiếu nữ 17 tuổi, được gọi đi làm ở một cửa hàng chữa đồng hồ. Và bà gắn với nghề đến tận bây giờ. Cái tâm của bà, chữ tín của bà cũng để hết ở đó. Bà kể: “Có một khách hàng cao tuổi bị bệnh tim thường xuyên mang đồng hồ tới nhờ tôi sửa. Bác ấy bảo nếu chiếc đồng hồ đó hỏng hóc thì thế nào cũng có chuyện. Cứ mỗi lần nhận nó tôi phải cố gắng sửa cho thật tốt, rồi thậm chí còn mang trả tận bệnh viện để bác ấy vui hơn.”

Làm vui cho người, sửa đồng hồ không công cho các nhà sư nhưng bản thân bà Thanh lại không vui với nghề. “Ngày xưa làm không hết việc, còn bây giờ… Nhiều lúc cũng buồn lắm.” Câu chuyện của bà Thanh cứ đứt nghẹn. Lúc nào bà cũng cảm thấy lo lắng, buồn nhưng chẳng bao giờ muốn bỏ nghề. Ngày càng hiếm những người có tâm, có tài như thế.

Nam Định, 2008


Sẽ không còn thợ sửa đồng hồ?
Trường Kỹ thuật Đồng hồ của ông Thư ngày nào giờ đã đổi tên thành Trường Đào tạo Đồng hồ-Điện tử-Tin học, 55 Hàng Bông. Mỗi năm trường vẫn nhận tiền tài trợ của một hãng đồng hồ lớn của Thụy Sỹ nhưng không còn lớp dạy sửa đồng hồ nào nữa. Chỉ còn những lớp tin học và đồ điện tử. Bà hiệu trưởng, vốn là học sinh khoá đầu tiên của trường (1975), mặc dù rất muốn mở lớp để truyền nghề nhưng cũng đành bó tay. “Bây giờ người ta muốn làm thầy hơn làm thợ,” bà nói. Kể cũng buồn khi đơn xin học may ra được ba cái, mà giáo viên còn đến sáu, bảy người. Không có lớp, các thầy cô đành tự mở một cửa hàng sửa chữa và bán đồng hồ bên cạnh trường.

Cứ nhìn cái cảnh những quầy chữa đồng hồ đang ngày càng cố thu mình nhỏ lại, chẳng những không dám sánh với mấy ngăn bày đồng hồ mới sáng choang, mà còn phải nhường chỗ cho tranh ảnh hay đồ souvernir bán cho Tây, mới thấy thương cái nghề đã từng vinh danh cho biết bao người. Có vẻ như các cửa hàng chữa đồng hồ đang bị những phòng tranh cao cấp, shop thời trang đắt tiền, cà phê máy lạnh, nhà hàng sang trọng xô ra những góc xa hơn của Hà Nội. Chỗ của chúng bây giờ không phải là phố cổ, phố Tây mà là ngoại thành, những con đường vành đai bụi mù, những nẻo vắng nửa quê nửa phố.

Tôi ngẩn ngơ đi tìm những hình dáng những người thợ chữa đồng hồ cặm cụi với mớ đồ nghề bé li ti như đồ chơi. Tôi không gặp họ, nhưng lại gặp những người trẻ làm cho tôi tin rằng nghề này chưa chết. Theo anh Nguyễn Quý Ngọc, chuyên viên của công ty kinh doanh đồng hồ Hải Bảo, nếu có cái tâm thì nghề nào mà chẳng sống tốt? Anh cho biết nghề này vẫn cần người, ngay cả các công ty kinh doanh đồng hồ cũng đang cần thợ giỏi làm bảo hành và sửa chữa đấy thôi. Anh Hùng con ông Thư, cũng tin rằng nghề chữa đồng hồ không thể mất. Cái lý anh đưa ra là người Việt ta sống rất có tình, đồng hồ đeo tay cũng là một thứ lưu giữ kỷ niệm. “Sẽ không thiếu người muốn sửa đồng hồ, vậy nên những người thợ sửa đồng hồ sẽ vẫn còn.”

Trích chuyên đề Đồng hồ, tạp chí Sành Điệu

9 bình luận

  1. bao giờ cho đến ngày xưa.. mọi thứ bây giừ cứ vù vù chớp nhoáng.. thèm được nhìn chăm ch một nghệ nhân cần mẫn ngồi làm việc mà hiếm gặp anh ạ.. gốc xưa càng ngày càng mai một mất rôì.. thương thay cho những giá trị cổ truyền..

  2. em rất thích entry này của anh; đọc xong nó gợi cho người ta cảm giác về một cái gì đó xưa xưa khó gọi thành tên mà lại rất gần gũi

  3. Đôi khi em không thể hiểu được, tại sao có những thứ chúng ta không thể sản xuất được! Đồng hồ là 1 trong những thứ đó. Mà chẳng cần phức tạp. 2000đ 1 cái bật lửa chúng ta dùng hàng ngày được nhập từ Thái về. Những loại khác rẻ hơn đều ko thể dùng vì dở tệ.

  4. Em hiểu tại sao anh nâng niu cái Mido đến thế.

  5. ậHy quá anh ạ.Mà mặt anh to quá, che hết cái đồng hồ rồi ,hehe

  6. Vô tình cái xa xưa của câu chuyện, cái màu hoài niệm của thời gian lại hòa lẫn vào màu của bức hình, màu của chữ và màu của theme blog. Anh Đạt tinh tế thật.

  7. Vô tình quá! Em cũng từng học ở ngôi trường đó, bây giờ mỗi lần đi qua phố Hàng Bông đều ghé mắt nhìn, chỉ thấy bác Bảo vệ là quen……..

  8. bài nay hay đấy, bảo sao lắm em thích thế. Midocommangdo màu trắng hay màu vàng

  9. Em xin bác bài này nhé. Tin Nhanh Blog trân trọng cảm ơn bác

Gửi phản hồi cho *♥Black Pearl♥* Hủy trả lời