Hà Nội có mấy hàng phở Tư Lùn?

Trả lời luôn: Ba nhưng thực ra là bốn 🙂
2014-09-05-0602Mình với phở Tư Lùn có mấy kỉ niệm.

Những âm thanh phố phường đầu tiên trong bài Phở (Gạt Tàn Đầy) được thu vào buổi sáng ở hàng Hai Bà Trưng này. Lúc ấy còn chưa khang trang như bây giờ. Mình bật máy thu âm, vào gọi phở chín dù hồi ấy chưa bị mỡ trong máu nên suốt ngày ăn tái gầu. Đang cắm mặt vào ăn thì công an phường đi qua, thế là vứt cả phở để chạy sang dắt xe máy…

Hàng phở ở Ấu Triệu thì lâu rồi không quay lại ăn. Lý do là một lần bị xua chuyển bàn mấy lần để nhường bàn cho một vị khách quan trọng. Yếu nhân chưa đến nhưng chủ quán đã cuống cuồng xua khách sang bàn khác ngồi. Lại được mấy bạn người làm xua mình thêm lần nữa. Thế là dỗi không ăn. Mình quát “Ăn phở bây giờ cũng có khách VIP à?” Quay lại thì yếu nhân ngay đằng sau. Bác này cười cười bảo mình cứ ngồi ăn tiếp. Mình nhấm nhẳng “Thôi cháu dỗi rồi”. Xong hai vợ chồng mò ra hàng khác…

Đặc trưng phở Tư Lùn là nước đục ngầu, thịt bò tái thái vụn, đập trên thớt rồi dội nước dùng nóng vào chứ không chần trước trong nồi như phở Bát Đàn. Nhiều bạn mình bảo ăn tái dội thế sẽ bị chua nước. Nồi nước dùng bao giờ cũng nhiều mỡ bên trên để giữ nhiệt. Nghĩ đến nước dùng nhà này là lại ứa nước miếng. Bát phở chất lừ, đang cơn thèm thịt thì thực là đã đời. Tuy nhiên, không phải ngày nào mình cũng lên cơn thèm thịt. Giá cũng không rẻ. Như hiện tại đang bán 55 nghìn đồng thì Bát Đàn đang bán 50 nghìn còn phở Bắc Hải Hàng Bồ) hay Thanh Hằng (Hoàng Hoa Thám) cũng chỉ bán 30 – 35 nghìn. Tuy đắt nhưng các hàng này vẫn đông khách đều.

Hôm rồi vợ có bầu, mình mới mò ra mua phở ở Hai Bà Trưng vào buổi tối để về chăm đại bàng. Về ăn thì vợ suýt xoa khen nước dùng chất lừ, nhiều nước cốt xương. Mình ăn buổi tối ở đây cũng không bị phản ứng với mì chính. Cảm quan là nước không đục như buổi sáng hay như bên Ấu Triệu.

Lân la hỏi han mới biết, cụ ông Ngô Văn Cả, mở hàng phở này. Tên quán là tên cụ thân sinh ra ông – không biết có phải vì thế hay không mà mãi gần đây quán mới treo biển tên này. Khách ăn cứ gọi thế nên thành ra tên. Các con (gái?) của người con trai – là ông Định – đang bán ở Ấu Triệu, người thì bán buổi sáng ở Hai Bà Trưng và một người nữa bán phở sáng ở đúng hàng bún chả cuốn lá lốt chỗ ngã tư Hàng Mã – Hàng Đồng.

Bán buổi chiều ở Hai Bà Trưng là ông Tiến (người xuất hiện ở đoạn đầu trong video bên dưới), là con bà cả. Trước đi làm công nhân, cứ chiều tối về mới bán thêm (trước có cái biển phở Huy Hoàng là thế). Nay ông về hưu, bán cùng gia đình. Con trai ông Tiến là anh Đức, đang vừa dạy học, tối về cũng phụ bán hàng.

Câu chuyện dông dài là vậy nhưng “Mỗi người mỗi mồm”, chưa kể mỗi lúc lại thèm ăn một quán khác nhau. Chỉ là vài dòng thông tin thêm cho các bạn mê phở. Bạn có thể xem thêm các tranh luận về hàng phở này tại đây. Ai mê phở thì có thêm bài viết về Phở Hà Nội.

Bình luận về bài viết này