Có một loài chim mang tên Đì-lây

Báo cáo trước với anh chị em bạn bè là bài này hơi dài, vi phạm nguyên tắc viết ngắn của blog.

Có một loài chim mang tên Đì-lây
Exe – bài đã đăng trên tạp chí TTVH & Đàn Ông

Bộ quần áo mới của Hoàng Đế
Khát vọng bay lên trời bấy lâu của những loài không thể bay đã được toại nguyện nhờ một giống chim gọi là chim Đì Lây. Nó vốn là một loài có nguồn gốc từ những chiếc diều, nghĩa là chúng có cánh và sau nhờ người mọi người nâng đỡ và gió thổi nên bay được. Bao nhiêu công bồi bổ chăm sóc nên càng ngày nó càng “nhớn tướng”. Tiếc thay, tỷ lệ thuận với sức mạnh chính là thói kiêu căng cũng phình ra. Cái con chim này thực quá lắm. Nó được cưng chiều nhiều nên đã gây lắm chuyện phiền toái. Có lẽ đã đến lúc nhổ vài sợi lông trên đầu cho nó tỉnh táo ra.

Xin được tả thêm chút nữa về ngoại hình. Ngày xưa, giống chim này có màu trắng, ở đuôi nó có vẽ hình một giống chim cổ. Trông cũng không đến nỗi nào, chẳng ai nghĩ là cần thay đổi nó. Thế rồi chẳng biết ngấm ngầm từ bao giờ, chim Đì Lây tự đi nhờ vả một ông ở vùng đất mặt trời ngồi tỉ mẩn ba năm, cho ra đời một vài đường nét tinh tế mới. Đến khi thông báo, mọi người mới ngã ngửa ra là giống chim này nay lại có màu xanh tối om. Thêm một cái hình bông hoa nữa ở đuôi, thế là thành ra sáng tạo nghệ thuật. Của bộn tiền các ngài hỏi “Đẹp không?” Thiên hạ đành gật gù “Quá đẹp!” Chẳng khác gì hoàng đế cởi truồng được tục hô. Nghe nói còn mất gần chục năm để thay đổi tất cả những thứ có liên quan như túi rác, phong bì, các phương tiện quảng cáo… cho đồng bộ.

Trước khi vào phần kể tội, phải nói đến công cho nó fair-play. Còn nhớ từ cuối những năm 50, giống chim này chỉ có vẻn vẹn năm con lủi thủi bay trên giời. Nhờ được chăm lo bồi bổ hợp lý, chẳng mấy chốc nó sinh năm đẻ mười. Mỗi năm, riêng đóng góp về mặt tiền cho nước nhà đã lên đến hơn 400 tỷ đồng. Chưa kể chúng bay đến 5 vạn rưỡi chuyến khắp nơi, mang theo hơn 6 triệu lượt người và hàng trăm nghìn tấn đồ đạc các loại. Thế nhưng lẽ đời phân minh, công ra công mà tội ra tội. Một học sinh giỏi không thể có hạnh kiểm kém. Nói hình tượng hơn thì không thể nào bảo “vì cơ thể tôi tuyệt vời nên tôi có thể ngang nhiên khỏa thân ra ngoài đường” được.

Nói lời không giữ lấy lời
Ở đời, có người chết chỉ để giữ chữ tín. Nước Trung Hoa xưa có người chỉ vì ba lần không giữ lời mà sau bị các nước khác thôn tính. Thế mà cái giống chim không ra chim, diều không ra diều này lại chẳng coi đấy là chuyện hệ trọng của đời mình. Chim Đì Lây mỗi ngày sai hẹn với hơn 2.000 người chẳng cần báo trước mà chẳng thấy ai dám làm gì. Cùng lắm chỉ nhận được vài lời xin lỗi xuông, bức xúc quá thì khách hàng tự khóc với nhau. Cứ khóc đi, sẽ khuyến mại cho ít giấy ăn mà lau nước mắt. Ồ, mà làm sao họ chỉ khóc mà không nói gì nhỉ? Hãy tưởng tượng, một ngày có đến ngần ấy người lầm bầm những lời “ấm ức” thì tổn thọ đến ngần nào. Ấy vậy mà chim Đì Lây nhà ta vẫn sống nhăn răng, thậm chí sống khỏe. Có vậy mới xứng đáng với cái tên của nó chứ.

Xe máy đi trên đường muốn rẽ còn phải xi nhan. Đằng này sai bét nhè ra mà mặt vẫn tỉnh bơ, mặc cho thiên hạ mất toi các cuộc hẹn (nghĩa là mất tiền). Lúc cao điểm, cùng một lúc có cả nghìn người vạ vật ở bãi đỗ chim. Nguyên do sâu xa cũng bởi được nuông quá đáng nên sinh hư. Cả nước chỉ độc một giống chim được bay lượn thì làm gì chúng không sinh kiêu? À, cũng có một giống hải âu nữa nhưng loài này nhỏ bé quá chẳng ăn thua, không thèm tính. Thỉnh thoảng không nên không phải lại bị ông anh nện cho một phát khuyến mại giảm giá thì lại tu tu khóc với người ngoài. Gần như một mình Đì Lây sở hữu bầu trời thì còn ai dám ho he?

Báo đài, tức là cơ quan quyền lực thứ tư, xúm vào mổ xẻ, vạch tội. Không khí thỉnh thoảng lại sôi lên sùng sục. Nhưng rồi lại nguội ngay như chảo dầu sôi ném xuống núi băng Nam Cực. Nguyên nhân mới lòi ra chính là đức tính tiết kiệm và lo xa. Chim Đì Lây không muốn mình bị lỗ vốn nên lo xa. Đáng nhẽ chỉ chở được túi ba gang thì lại ôm đồm đòi nhận cả túi bốn gang. Phương châm “thà thừa còn hơn thiếu” được tận dụng triệt để. Đến giờ chót mới lo đùn đẩy, lôi chỗ thừa đập vào chỗ thiếu. Số phận khách khứa bị lăng, bị quẳng như những món đồ. Thay bằng việc nhận phần thiệt về mình, rủi ro được đẩy đẹp như trong mơ sang phía những kẻ bỏ tiền ra mua dịch vụ. Thắc mắc ư? Sẽ có ngay những lời xin lỗi ráo hoảnh để rồi đâu lại vào đó.

Ném vàng lấp biển
Những con chim Đì Lây liên tục phán rằng muốn đền bù cho khách hàng nhưng không có luật. Thế là cơ quan quyền lực thứ nhất rụch rịch cho ra đời một bộ luật hẳn hoi để dạy dỗ giống chim ngỗ ngược. Đúng lúc này, hàng loạt những trò tác yêu tác quái của nó bỗng đồng loạt
làm nhộn nhịp hết cả các trang báo. Thiên hạ chưa kịp thông tai về vụ “pờ-mu” vừa vỡ lở thì lại được tiếp tục no nê về những trò có thể nói là ném vàng lấp biển của đám chim Đì Lây đầu đàn. Xét về mức độ móc túi của người đóng thuế thì còn tệ hại hơn. Mà nghĩ cũng giỏi thật, có mỗi cái mỏ mà nó làm được nhiều việc thế?

Việc đầu tiên có thể tạm gọi là “chết vì thiếu hiểu biết”. Mà không phải chết bình thường, chết một phát đến hơn một trăm tỷ mới gọi là chết chứ. Đầu đuôi là từ cách đây 15 năm, có đám đánh nhau ở tận vùng đất tháp nghiêng. Nói là không liên quan cũng chẳng biết, nói là liên quan cũng chẳng hay. Chỉ biết là đầu tiên người ta bảo ông đền có 90 nghìn đô. Đì Lây quen thói hống hách ở nhà nên coi thường không thèm sang xem người ta đánh nhau thế nào. Lại còn kêu là mình chẳng có gì ở cái vùng toàn pizza và mì sợi ấy thì sợ quái gì. Đến đây giờ con số đã lên đến gấp 6 lần, người ta khóa trái hết tiền của ở nước bên cạnh lại thì ông mới cuống cuống “công du dài ngày”.

Ngoài cái tội coi thường thiên hạ ra còn thêm cái tội giấu diếm thượng cấp. Ai đời tiền trăm tỷ của dân mà đám chim đầu đàn đến tận chục năm sau mới dám bẩm báo với cấp trên. Thêm một lần nữa cái tên Đì Lây lại có ý nghĩa tuyệt đối. Dây dưa ém nhẹm càng lâu càng tốt. Kể mà giấu được đến khi thêm một chú chim đầu đàn nữa hạ cánh thì cũng “đì-lây” đấy. Chẳng ngờ cái kim trong bọc này nó to quá, nhọn quá. Đâm lòi ra một cái mà đâu nhói hết cả tim những kẻ lương ba cọc ba đồng. Nói như Azit Nêxin “Tiền dân, tiền nước phải biết xót chứ!” Thưa nhà văn, nếu ngài chứng kiến cái cảnh này thì mấy ngôi nhà đập đi xây lại của ngài đâu có thấm tháp gì. Những con chim Đì Lây của chúng tôi đang ra sức thả vàng lấp biển đây ngài ơi.

Ấp trứng hộ
Lo cho mình chưa xong, đám chim Đì Lây còn chứng tỏ tấm lòng nhân nghĩa của mình bằng việc ấp trứng hộ và đảm nhiệm việc nuôi dạy cho những chú chim con khác, vốn không liên quan gì đến Đì Lây. Không phải nuôi ấp ở trong nước mà mang ra nước ngoài để chu cấp cho nó pờ-rồ. Hy vọng nhờ bơ sữa nước ngoài nên lông đuôi, lông cánh của chúng sẽ dài hơn chăng? Điều đáng nói là những-chú-chim-non được nuôi hộ ấy đều là những con cháu những hạng chim không phải tầm thường như chim ưng, đại bàng, phượng hoàng… Nghĩa là bố mẹ chúng đều có thể can thiệp “tế nhị” vào nhiều chuyện quan trọng. Nói nghi ngờ mà không có bằng chứng thì e không phải đạo, nên dành chuyện này vào lúc mọi sự minh bạch hơn.

Lại nói chuyện, đám Đì Lây gọi đám chim non là những nhân tài, những nguồn nhân lực kế cận tương lai. Dân gian thì lại đọc một câu thơ cụt ngủn rằng “trứng đì lây thì lại làm chim đì lây”, chẳng có gì là lạ. Trong số những “nhân tài” đó có cả những kẻ chưa qua được các kỳ thi sát hạch trong nước. Không biết sang bên đất lạ xứ người thì sẽ ú ớ cái gì? Biết chúng được học cách bay và ứng xử ở đời thế nào? Những nguồn nhân lực kế cận ấy mà cầm trịch các chuyến bay lên của Đì Lây thì độ nguy hiểm sẽ ra sao? Sự việc nhỡn tiền khi Đì Lây bay qua nước bạn: “tưởng là ngủ gật hóa ra không phải, tưởng là không phải hóa ra ngủ gật” vẫn còn đang nóng đó. Hay rồi lại bị giữ vì mang quá nhiều tiền (trong khi rất nhiều người đang đói), ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước? Tin thêm nhé, 11 chú chim thuộc hàng cha chú trong đám Đì Lây vừa bị phát hiện là được ưu ái bổ nhiệm quá mức. Thôi tôi chỉ nói thế thôi, không lại bảo tôi soi mói.

Mua tàu vũ trụ, lắp động cơ xe công nông
Cho đến giờ này, chưa ai hiểu nổi lý do của việc Đì Lây xin mua một đống tàu vũ trụ để thực hiện các chuyến du hành lên mặt trăng nhưng rồi lại lắp động cơ của xe công nông vào tàu vũ trụ để chạy trên đường quốc lộ. Vâng, xin mua để nâng cao khả năng thám hiểm không gian thì ai cũng ủng hộ. Nhưng tại sao lại dùng một cách ngớ ngẩn thế? Mặc dù đã được cấp trên khuyến cáo là “phải bay được lên mặt trăng thì hẵng mua nhé”, ấy thế mà vẫn vâng vâng dạ dạ rồi làm ngược lại hẳn một nửa thế nhỉ? Chưa biết đúng sai thế nào, thời phong kiến, cứ trái lệnh cấp trên là… “Trảm!”.

Chưa hết oái oăm. Sau khi mua của một đống tiền về để “dùng dao mổ trâu cắt tiết gà” thì Đì Lây yêu quý của chúng ta lại đi thuê dao mổ trâu về để có thể cắt tiết trâu. Nghĩa đang tự nhiên lại đi thuê thuê tàu vũ trụ có động cơ chuẩn để có thể bay lên mặt trăng. Đã thế, tiền thuê tàu hàng năm không dần dần giảm mà lại dần dần tăng đến gấp đôi mới kỳ lạ. Mà không phải vài nghìn mà là vài trăm nghìn đô cơ. Những kẻ dốt toán như tôi phải lôi loại máy tính chuyện dụng ra mới biết nó gấp bao nhiêu lần tiền một cân gạo. Đến nước này thì cả Khổng Minh sống lại cũng chẳng thể hiểu nổi mưu lược sâu xa của đám Đì Lây cầm đầu. Các bác chim Đì Lây giải thích thế nào với những người đang đống thuế để các ngài hoạch định chi tiêu đây?

Tinh thần văn nghệ
Kể từ nãy giờ tưởng đã hết chuyện, chẳng ngờ chuyện còn dài quá. Đấy là tinh thần văn nghệ của các chú chim Đì Lây. Sợ bạn đọc thở dài ngán ngẩm, vứt báo vào một góc thì tội nghiệp, đành liệt kê ra một ít thế gọi là cho câu chuyện đỡ nhàm chán.

Nhân kỷ niệm một ngày lễ lớn, các chú chim đàu đàn quyết định tài trợ tổng cộng 817 triệu đồng cho các hoạt động văn hóa. Trong đó có 200 triệu cho 2 tiết mục văn nghệ (bạn không đọc nhầm đâu). Chưa hết, một tập nhạc bài hát cũng được tặng cho 192 triệu để ra đời (bạn vẫn không đọc nhầm). 96 triệu khác được chi cho một cuốn sách của một vị nguyên là lãnh đạo cao cấp. Tổng chi cho một dịp kỷ niệm này là hơn một tỷ đồng. Các bạn đã hoảng chưa? Cần gì chu du thiên hạ để học rùng mình đâu? Cứ đến với đàn chim Đì Lây là biết ngay thế nào là rùng mình mà.

Sự hào phóng còn thể hiện ở những chuyến công du của hai con chim Đì Lây đầu đàn. Trong vòng có một tuần hết toi nửa tỷ. Vớ vẩn nhất cũng xả láng vài trăm triệu. Nghe xong người cứ như trên mây. Những con số có chín chữ số nó nhảy vào mắt, nó lộn ngược trong đầu và làm ta loạn thần kinh. Rồi chúng ta nghĩ lại, chúng ta thấy sự hào phóng và tinh thần văn nghệ đó rất đáng yêu. Tôi xin hứa danh dự là, nếu các chú chim Đì Lây vẫn cứ tiếp tục lãng mạn với văn hóa văn nghệ thế này, tôi xin vứt ngay cái cán bút cứng queo để ngày mai cầm micro đi hát. Hay nếu không hát được thì tôi sẽ làm hướng dẫn viên du lịch chắc cũng kiếm bộn tiền.

Văn hóa Việt Nam?
Lang thang đi tìm lời giải đáp cho những câu chuyện không thể hiểu nổi của loài chim bí ẩn, tôi bất ngờ đọc được câu khẩu hiệu đanh thép của Đì Lây: “Bringing Vietnamese Culture to the World”, tạm dịch là “Mang văn hóa Việt Nam đến với thế giới”. Thế là tôi khóc. Chẳng lẽ văn hóa của người Việt ta là sai hẹn, là lôi vàng trong nhà ra để lấp biển, là “con đì lây lại làm đì lây” cho dù nó dốt, là phung phí cả trăm triệu cho một bài hát, là hàng tỉ trôi đi như cơn gió thu nhè nhẹ? Ối giời, lại còn mang đến cho cả thế giới chiêm ngưỡng nữa chứ. Bạn có thấy tự hào không?

Vào lúc này đây, dân gian lại râm ran bàn tán về việc con chim Đì Lây đàu đàn không giữ được bình tĩnh với một phóng viên nước ngoài. Ừ thì như thế có thể là do “vênh về ngôn ngữ” nhưng mình đường đường là một bậc cao quý, sao lại ứng xử thiếu tiết chế như thế? Với lại cả, trước khi phán xét về mức độ văn hóa của người khác, ta cũng cần hít vào thở ra bảy lền xem có đáng nói thế không chứ? Mà lại còn ghi âm cơ. Thôi, nói thế thôi không có lại tự ái, có ngày đang bay giữa trời, chim lại liệng một cái rồi thả xuống biển như trong chuyện Cây Khế thì toi.

Chân thành cám ơn em Hoa Metan đã “cho ra đời” cái tên hàng không Delay trong nước mắt! Hu hu.

16 bình luận

  1. Benh tat cua cai lu “delay” nay dung la thuoc loai “ai cung hieu chi vai nguoi khong hieu”.

  2. bó tay 😦

  3. Bác soi mói quá. Đì-lây đã đi vào ổn định thì nhiều nhất cũng chỉ được sò-ri là cùng thôi. Mà có thay đổi được cái gì đâu, phỏng ạ?

  4. có một loài chim mang tên đì-lây, là loài chim quý chỉ có ở Việt Nam (xuyên tạc tý :P) nhưng bài này thiếu về vụ ăn vạ và giãy đành đạch của loài chim này, qua đó ta mới hiểu rõ giá trị cua PHÊ BÌNH và “tự phê bình”(cái chữ này phải cho thật nhỏ thôi), dân thường mà họ cứ phạt dăm trăm triệu như ko mà cho mỗi họ thôi nhá, họ nhậu nhẹt, họ ăn uống cũng chả ai biết chả ai quan tâm còn những người mà là cái lý do để họ thu tiền phạt thì vẫn luôn là “bạn sẽ nhận được một câu xin lỗi vô cùng dễ thương dù là khách quan hay chủ quan”. Con một đúng là thích thật
    Mai em lấy lại bài viết của Thảo Hảo post lên về cái vấn đề khác cũng hay hay 😀

  5. Con trym này chắc ko bị H5N1 bao giờ ! Tiên sư !

  6. hị hị! Bài này miềng thích.

  7. ôi ôi. thử rồi. đồng chí nào hát bài nhớ mà tây thế?

  8. Gioi! bai nay dai qua gioi luon!!

  9. Anh Đạt thử link này xem

    [audio src="http://bump.d3net.net/Lamnd/d3band/D3net%20Band%20-%20Nho.mp3" /]

  10. Thế nà bác Đạt sờ kun bị đụng hàng rùi hix hix

  11. đề nghị bộ NN & PTNT hướng dẫn và hỗ trợ vốn cho bà con nông dân chuyển hướng sang nuôi loại chim Đì Lây này…Đố thằng cúm gia cầm lộng hành

  12. Hixx, nhớ lại lần em phải chạy xe cả đêm từ Kiên Giang về Sài Gòn để bay ra Hà Nội gấp thì được Delay Airline tiếp đón “nồng hậu” ở TSN đến gần 5 tiếng đồng hồ…

  13. Anh oi!
    Em bổ sung một chút! Cách đây khoảng hai tháng, đàn chim này mới dính H5N1 tương đối giống với vụ Pizza! Đấy là chả biết lúc đàm phán hợp đồng thuê chim ngoại thế nào, đến lúc giao trả chim bị người ta bắt đền. Phải tốn khá nhiều chi phí để sửa chữa lại mấy con chim ngoại già! Vụ này là từ một nguồn tin hoàn toàn chính xác!Khổ thân bác bạn em làm bên bộ phận sửa chữa, bảo dưỡng!Thời gian đó tăng ca liên tục, cóc có thời gian uống bia!
    Chết vì cái gì không chêt, toàn chết vì thiếu hiểu biết!
    Xếp vào tội làm nhục quốc thể theo cha ông ta thì cũng được!

  14. chi nghe thien ha don dai ong anh minh viet ghe lam nhung doc roi moi thay ghe that. Anh oi lan dau tien ma em nghe thay loi don lai la su that day…Kinh ne qua.

  15. Chuyện!Chồng chị gái chị mà em! Đọc bài về bác ở Cần Thơ đi kưng! Cứ gọi là tắt bếp. Vừa gõ vừa nghiến răng kèn kẹt,cái bàn phím cứ gọi là tan nát. Vái cả nón!!!

Gửi phản hồi cho Smiles Hủy trả lời